Hoạt động
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

BỆNH DẠI VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hàng năm trên toàn cầu, gánh nặng kinh tế do bệnh dại lây truyền qua chó ước tính lên tới 8,6 tỷ USD mỗi năm, bên cạnh những tổn thương tâm lý không thể tính toán được cho các cá nhân và cộng đồng.

Ở nước ta, bệnh dại đã lưu hành trong nhiều năm và là một trong số các bệnh truyền nhiễm có số ca tử vong cao nhất. Thời gian qua, công tác phòng chống bệnh dại đã được quan tâm đẩy mạnh và đạt một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, từ năm 2022 đến nay, tình hình bệnh dại diễn biến phức tạp với số ca tử vong cao. Đến nay, cả nước đã ghi nhận 61 ca tử vong do dại, tăng 18 ca so với cùng kỳ năm ngoái (~42%).

Riêng tại tỉnh Trà Vinh, vào dịp Tết Nguyên Đán Giáp Thìn vừa qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Trà Vinh đã ghi nhận một ổ dịch dại trên chó tại xã Nguyệt Hóa, huyện Châu Thành. Chó nghi mắc bệnh Dại đã cắn 02 người tại ấp Sóc Thát, xã Nguyệt Hóa và làm xây xát 01 người ở ấp Trà Đét, xã Nguyệt Hóa và cắn 02 con chó khác thuộc ấp Trà Đét, xã Nguyệt Hóa. Có thể thấy, bệnh dại xuất hiện trở lại và tăng cao đột biến ở những tỉnh trước đây không phải là khu vực trọng điểm về dại, trong đó có tỉnh Trà Vinh.

Bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do vi rút dại thuộc họ Rhabdoviridae, giống Lyssavirus gây ra, lây truyền từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn của động vật mắc bệnh, xảy ra ở hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các biểu hiện lâm sàng của bệnh dại trên người là sợ nước, sợ gió, co giật, liệt và dẫn đến tử vong. Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100% (đối với cả người và động vật). Bệnh dại thuộc bệnh truyền nhiễm nhóm B trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm ở Việt Nam.

          Bệnh lây truyền chủ yếu qua vết cắn hoặc vết cào, liếm của động vật bị dại lên trên da bị tổn thương. Vi rút dại còn có thể lây truyền từ người sang người qua cấy ghép mô, phủ tạng và vết cắn hoặc tiếp xúc với chất tiết của bệnh nhân bị dại cũng đã được báo cáo. Ngoài ra, còn có các đường lây truyền khác nhưng hiếm gặp hơn như lây truyền qua niêm mạc do tiếp xúc hoặc hít phải không khí giọt nhỏ chứa vi rút dại trong hang dơi hoặc tai nạn ở phòng thí nghiệm.

Thời gian ủ bệnh ở người thông thường là từ 1 - 3 tháng sau phơi nhiễm, hiếm khi có trường hợp thời gian ủ bệnh ngắn dưới 9 ngày hoặc dài tới một vài năm. Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào tình trạng nặng nhẹ của vết cắn, vị trí của vết cắn có liên quan đến nơi có nhiều dây thần kinh, khoảng cách từ vết cắn đến não, số lượng vi rút xâm nhập. Vết cắn càng nặng và gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn. Thời kỳ lây truyền ở chó nhà là từ 3-7 ngày (tối đa là 10 ngày) trước khi chó có triệu chứng dại và trong suốt thời kỳ phát bệnh. Ở người, vi rút đào thải qua các chất tiết (nước bọt, nước mắt, nước tiểu ...) của người bệnh trong suốt thời gian phát bệnh. Các triệu chứng ban đầu của bệnh dại bao gồm các dấu hiệu chung như sốt, đau và cảm giác ngứa ran, châm chích hoặc nóng rát bất thường hoặc không giải thích được ở vị trí vết thương. Khi virus di chuyển đến hệ thống thần kinh trung ương, tình trạng viêm não và tủy sống tiến triển và gây tử vong sẽ phát triển. Tuy nhiên, khả năng lây truyền từ người sang người là vô cùng hiếm gặp.

Có hai dạng bệnh dại:

  1. Bệnh dại dữ dội: dẫn đến tăng động, hành vi dễ bị kích động, ảo giác, thiếu phối hợp, sợ nước (sợ nước) và sợ không khí (sợ gió lùa hoặc không khí trong lành). Tử vong xảy ra sau vài ngày do ngừng tim-hô hấp.
  2. Bệnh dại bại liệt: chiếm khoảng 20% ​​tổng số ca bệnh ở người. Dạng bệnh dại này diễn biến ít kịch tính hơn và thường kéo dài hơn so với dạng dữ dội. Các cơ dần dần bị tê liệt, bắt đầu từ vết thương. Tình trạng hôn mê phát triển dần dần và cuối cùng là cái chết. Dạng bệnh dại thể liệt thường bị chẩn đoán lầm với các bệnh thần kinh khác dẫn đến việc báo cáo bệnh bị bỏ sót.

Hiện có sẵn các loại vắc xin rất hiệu quả để tiêm chủng cho mọi người sau khi phơi nhiễm (dưới dạng PEP) hoặc trước khi tiếp xúc với bệnh dại. Dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) được khuyến nghị cho những người làm một số nghề có nguy cơ cao (chẳng hạn như nhân viên phòng thí nghiệm xử lý bệnh dại sống và vi rút liên quan đến bệnh dại) và những người mà hoạt động nghề nghiệp hoặc cá nhân của họ có thể dẫn đến tiếp xúc trực tiếp với dơi hoặc động vật có vú khác có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe. Dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) cũng có thể được chỉ định cho những người đi du lịch ngoài nước và những người sống ở những khu vực xa xôi, có dịch bệnh dại cao với khả năng tiếp cận hạn chế với các chế phẩm sinh học bệnh dại tại địa phương.

Bệnh dại là bệnh có thể phòng ngừa được bằng vắc-xin. Tiêm vắc-xin cho chó, bao gồm cả chó con, là chiến lược tiết kiệm chi phí nhất để ngăn ngừa bệnh dại ở người vì nó ngăn chặn sự lây truyền ngay tại nguồn. Hơn nữa, việc tiêm phòng cho chó làm giảm nhu cầu sử dụng PEP. Giáo dục về hành vi của chó và phòng ngừa vết cắn cho cả trẻ em và người lớn là một phần mở rộng thiết yếu của chương trình tiêm phòng bệnh dại và có thể làm giảm cả tỷ lệ mắc bệnh dại ở người lẫn gánh nặng tài chính khi điều trị vết chó cắn.

Hầu hết các trường hợp mắc bệnh Dại được lây qua vết liếm, cào, cắn từ chó, mèo nghi dại. Chúng ta cần làm gì khi bị chó, mèo nghi dại gây thương tích?

  1.  Rửa vết thương: Rửa liên tục vết cắn bằng nước sạch và xà phòng ít nhất 15 phút, sau đó sát khuẩn bằng cồn 70% để giảm thiểu lượng vi rút, không rửa vết thương trong chậu.
  2. Không nặn, bóp vết thương cho máu chảy ra hoặc hạn chế làm dập vết thương, không băng kín.
  3. Không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh
  4. Đến ngay cơ sở tiêm chủng có vắc xin và huyết thanh kháng dại để bác sĩ tư vẫn tiêm phòng kịp thời, càng sớm càng tốt.

Tuy vậy, bệnh dại trên người có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vắc xin và huyết thanh kháng dại. Tiêm vắc xin dại cho cả người và động vật (chủ yếu là chó) là biện pháp hiệu quả để phòng, chống bệnh dại.

 

Bs Ngọc Yến


Tác giả: Ngọc Yến
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết