Hoạt động
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

HỘI NGHỊ TĂNG CƯỜNG PHÒNG, CHỐNG DỊCH KHU VỰC PHÍA NAM NĂM 2024

Chiều ngày 11/6/2024, Hội nghị phòng, chống dịch khu vực phía Nam diễn ra tại Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh. Chủ trì hội nghị PGS TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế. Thành phần tham dự gồm lãnh đạo và chuyên viên các đơn vị Cục Y tế dự phòng, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Vụ Kế hoạch Tài chính,.. Cùng các lãnh đạo Sở Y tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật, Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện đa khoa Khu vực, Bệnh viện Sản - Nhi các tỉnh Khu vực phía Nam. Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Trà Vinh có Thầy thuốc Ưu tú BSCKII. Nguyễn Văn Đời - Phó Giám đốc Sở Y tế Trà Vinh BSCKII Trần Văn Bé Hai - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật,  BS CKI Lê Minh Hải - Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, BS CKII  Nguyễn Văn Sĩ – Trưởng phòng nghiệp vụ Y, cùng với đại diện Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản – Nhi và Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm - Kiểm dịch Y tế quốc tế - Ký sinh trùng và Côn trùng Khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh.

Tại hội nghị, các đại biểu được Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh báo cáo về tình hình dịch bệnh truyền nhiễm 6 tháng đầu năm khu vực phía Nam và các giải pháp. Theo thống kê báo cáo, tình hình bệnh Tay chân miệng khu vực phía Nam số ca mắc trung bình mỗi tuần trong tháng 5/2024 là 1.500 ca mắc, tích lũy từ đầu năm đến nay có 19.000 ca mắc, 01 ca tử vong, cao gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2023. Khu vực phía Nam cũng ghi nhận sự gia tăng số ca mắc bệnh dại, đã có 41 trường hợp tử vong do bệnh dại từ đầu năm đến nay, chiếm 27% cả nước, tăng 52% so với cùng kỳ năm 2023. Một số địa phương như Bến Tre, Tây Ninh, Long An, Cà Mau, Đồng Nai có ổ dịch chó dại gia tăng, đặc biệt tại Đồng Nai địa phương này không có huyết thanh kháng dại. Ngành Y tế phải hướng dẫn người dân đến Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh để tiêm.

Trong khi đó, trên địa bàn cũng ghi nhận 3.677 ca sốt xuất huyết, giảm 53% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, từ đầu năm 2024 đến nay, tại thành phố Hồ Chí Minh có sự xuất hiện trở lại của các ca bệnh ho gà và sởi. Cụ thể, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm ghi nhận có 30 ca bệnh ho gà và 16 ca mắc sởi.

Nguyên nhân của việc gia tăng các ca mắc một số bệnh có thể phòng ngừa được bằng vaccine quay trở lại là do đã xuất hiện các “khoảng trống” miễn dịch

Tình hình dịch HIV/AIDS tính đến tháng 3/2024 cả nước có 235,719 người mắc HIV còn sống, trong đó khu vực phía Nam chiếm 66% (154,584 người).

 

                                                    Quang cảnh hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Trà Vinh

 

Ngoài ra Viện cũng đưa ra các giải pháp về phòng chống dịch, Các giải pháp tổng thể như: Tham mưu với sự hỗ trợ của chính quyền và các ban ngành, Phối hợp ngành giáo dục triển khai công tác phòng chống dịch trong trường học, Phối hợp Y tế – Thú Y trong kiểm soát Dại và bệnh lây truyền từ động vật sang người; Bố trí đủ vật tư: thuốc, hóa chất, vắc xin; Huy động nhân lực và cộng đồng; Đào tạo tập huấn; Truyền thông,..

Tổng kết hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá cao nổ lực của các địa phương, sự phối hợp liên ngành trong công tác phòng chống dịch trong thời gian vừa qua. Đồng thời Thứ trưởng đề nghị các địa phương không nên chủ quan với các dịch bệnh Tay chân miệng, dịch Sốt xuất huyết, dịch Sởi,.. đồng thời lên kịch bản ứng phó, sẵn sàng cơ sở vật chất, nguồn lực để thu dung, điều trị các bệnh truyền nhiễm; trong đó chú ý đến việc phân luồng, cách ly điều trị đối với các bệnh có nguy cơ lây truyền cao như bệnh sởi, ho gà; Dự trù hóa chất, trang thiết bị Y tế; Đề nghị các đơn vị Chỉ đạo tuyến lên kế hoạch tập huấn, tập huấn lại các nội dung về bệnh truyền nhiễm, phòng chống dịch; Công tác thu dung điều trị, cách ly không để dịch lây nhiễm trong bệnh viện như Ho gà, Sởi,.. Đối với những bệnh dịch không có vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng, các Sở Y tế cần chủ động tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh để chủ động mua vaccine, thuốc điều trị, huyết thanh… ứng phó với tình hình tại địa phương, không để tình trạng khi có dịch bệnh thì đẩy về các bệnh viện tuyến Trung ương và tuyến cuối của Thành phố Hồ Chí Minh, đảm bảo tối ưu nhất công tác phòng chống dịch nhanh và kịp thời, đạt hiệu quả cao góp phần giảm đến mức thấp nhất tỷ lệ dịch bệnh, bảo vệ toàn diện sức khỏe người dân trên địa bàn./.

 

BS Nhan Tân Trạng


Tác giả: Nhan Tân Trạng
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết