Hoạt động
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

BỆNH LAO LÀ GÌ, TRIỆU CHỨNG NGHI LAO VÀ NHÓM NGUY CƠ CAO

Bệnh lao có thể gây tổn thương ở nhiều bộ phận của cơ thể, nhưng thường phổ biến nhất là lao phổi (80-85%), chiếm tỷ lệ cao nhất, là nguồn lây nhiễm chính cho những người xung quanh.

Bệnh lao lây truyền như thế nào? Bệnh lao lây qua đường không khí khi người mắc lao phổi ho, hắt hơi, khạc nhổ hoặc nói chuyện khiến vi khuẩn lao phát tán. Số lượng vi khuẩn phát tán phụ thuộc vào hoạt động, ví dụ như nói chuyện (–200 vi khuẩn), ho (~3500 vi khuẩn), hắt xì hơi (từ 4.500 đến 1.000.000 vi khuẩn). Tuy nhiên, bệnh lao không lây qua di truyền, qua hành động bắt tay hoặc việc sử dụng chung đồ dùng cá nhân.

Triệu Chứng Nghi Lao và Nhóm Nguy Cơ Cao

1. Các biểu hiện nghi lao phổi gồm:

a. Ho kéo dài trên 2 tuần. Có thể là ho khan, có đờm hoặc ho ra máu.

b. Có thể kèm các dấu hiệu:

i. Gầy sút, kém ăn, mệt mỏi.

ii. Sốt nhẹ về chiều.

iii. Ra mồ hôi “trộm" ban đêm.

iv. Đau ngực, đôi khi khó thở.

2. Những ai là người có nguy cơ cao bị bệnh lao?

a. Người tiếp xúc gần, thường xuyên với bệnh nhân lao phổi (người tiếp xúc trong hộ gia đình, nhân viên y tế, cán bộ quản lý tại các khu vực khép kín hoặc người thân, bạn bè, đồng nghiệp và hàng xóm tiếp xúc với bệnh nhân lao...),

b. Người mắc các bệnh mạn tính: đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hơn, suy thận mạn, bụi phổi...

c. Người suy giảm miễn dịch hoặc sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch kéo dài như ung thư, người nhiễm HIV, điều trị corticoid...

d. Người cao tuổi, nghiện rượu, hút thuốc lá, thuốc lào, người đã có tiền sử điều trị lao.

3. Nếu có dấu hiệu nghi lao hoặc thuộc nhóm nguy cơ mắc bệnh lao, bạn cần đến các Trạm y tế xã/phường hoặc TTYT/BV huyện hoặc Bệnh viện phổi tỉnh để được khám, chỉ định các xét nghiệm cần thiết sàng lọc chẩn đoán bệnh lao như chụp Xquang phổi, xét nghiệm đờm…

Nếu bạn bị chẩn đoán mắc lao thì sẽ được chuyển đến đăng ký điều trị và tư vấn về phòng bệnh lao tại cơ sở y tế gần nhất.

 

 

4. Bệnh lao là bệnh có thể chữa khỏi. Người bệnh lao cần tuân thủ nghiêm túc các hướng dẫn của cán bộ y tế trong quá trình điều trị bao gồm:

• Dùng phối hợp các thuốc chống lao, uống thuốc đúng liều, đều đặn và đủ thời gian quy định

Không tự ý ngừng, thêm hoặc đổi thuốc.

Thông báo ngay cho cán bộ y tế khi thấy có những biểu hiện bất thường như buồn nôn, nôn, ù tai, chóng mặt, vàng da, chán ăn...

Tái khám đúng hẹn và làm đủ các xét nghiệm trong quá trình điều trị.

• Thông báo cho cán bộ y tế kế hoạch di chuyển hoặc thay đổi nơi ở để có định hướng tiếp tục điều trị phù hợp.

• Thực hiện các biện pháp phòng lây bệnh cho người xung quanh.

• Tập luyện, sinh hoạt điều độ, ăn uống đủ chất để nâng sức chống đỡ với bệnh.

Không hút thuốc lá, không uống rượu bia.

5. Người mắc lao có cần cách ly không?   

• Người mắc lao không cần cách ly!

• Người mắc lao chỉ đeo khẩu trang, hạn chế giao tiếp trong giai đoạn còn lây - thường trong tháng đầu điều trị. Người mắc bệnh lao phổi cần thực hiện vệ sinh ho khạc đúng cách như sau: Dùng khăn giấy/ giấy vệ sinh để che miệng, mũi khi ho khạc rồi nhổ vào khăn giấy. Hủy ngay khăn giấy bằng cách đốt hoặc hủy trong bồn vệ sinh tự hoại. Rửa tay bằng xà phòng. Trường hợp không kịp lấy khăn phải che miệng bằng cánh tay, sau đó phải thay giặt áo./.

Nguồn: Cv 754/BVPTƯ-CTCLQG ngày 14/3/2024


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết