BỆNH DẠI VÀ TẦM QUAN TRỌNG CỦA VIỆC DỰ PHÒNG BẰNG VẮC XIN
Bệnh Dại hiện vẫn là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Theo báo cáo của Tổ Chức Y tế Thế Giới (WHO), hằng năm có đến 13.743 ca tử vong trong đó trẻ em dưới 15 tuổi chiếm 40%, thương tích được ghi nhận chủ yếu vùng đầu, mặt, cổ. Bệnh dại rất nguy hiểm do bệnh tỉ lệ tử vong cao nhất trong các bệnh truyền nhiễm hiện nay.
Hiện nay, bệnh Dại đang có xu hướng gia tăng trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, đặc biệt ở vùng nông thôn, vật nuôi được thả rông ngoài đường, không rọ mõm, không được đăng ký và tiêm ngừa vắc xin dại định kỳ hằng năm. Mặc khác, người dân còn chủ quan về tính chất nguy hiểm của bệnh Dại, tin vào thuốc nam, quan điểm lạc hậu khi bị chó, mèo cắn vẫn còn đi lấy nọc theo cách truyền thống dẫn đến những trường hợp tử vong đáng tiếc xảy ra.
Nguyên nhân Việt Nam vẫn còn người tử vong vì bệnh Dại có thể đề cập đến như sau:
- Đàn chó nuôi KHÔNG quản lý được (đăng ký, giám sát bệnh Dại ở động vật hạn chế).
- Chó nuôi thả rông, không rọ mõm, tỷ lệ tiêm phòng chưa cao (dưới 50%).
- Nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế về bệnh Dại và vắc- xin phòng dại.
- KHÔNG điều trị hoặc điều trị dự phòng KHÔNG đúng cách sau khi bị phơi nhiễm.
Hầu hết các trường hợp mắc bệnh Dại được lây qua vết liếm, cào, cắn từ chó, mèo nghi dại. Chúng ta cần làm gì khi bị chó, mèo nghi dại gây thương tích ?
- Rửa vết cắn liên tục bằng nước sạch và xà phòng trong 15 phút.
- Sát khuẩn với cồn 70 độ.
- Hạn chế làm dập vết thương, không băng kín vết thương.
- Không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh.
- Đến ngay cơ sở tiêm chủng để bác sĩ tư vấn tiêm phòng vắc xin hoặc huyết thanh kháng Dại..
Bệnh Dại hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị và khi bệnh nhân đã lên cơn dại sẽ xuất hiện các triệu chứng lâm sàng như sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng, nuốt khó, hung hăng bất thường hoặc phát ra tiếng hú như động vật, thì tỷ lệ tử vong gần như 100%.
Mặc dù vậy, căn bệnh này có thể phòng ngừa được 100% bằng vắc-xin thông qua việc thực hiện kịp thời điều trị dự phòng sau phơi nhiễm ở người (PEP). Tiêm vắc xin phòng dại là biện pháp duy nhất cứu người khỏi căn bệnh nguy hiểm này.
BS Ngọc Yến-
Khoa PC Bệnh Truyền Nhiễm- KDYTQT- KST & Côn Trùng