Dịch vụ - Bảng giá
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

TẦM QUAN TRỌNG CỦA VIỆC SỬ DỤNG VẮC XIN

1/ Vai trò của Vắc xin

Tiêm chủng là sử dụng Vắc xin để kích thích sinh ra miễn dịch chủ động đặc hiệu chống lại một bệnh truyền nhiễm nào đó. Đến nay đã có khoảng 30 bệnh truyền nhiễm có Vắc xin phòng bệnh và khoảng 190 quốc gia và vùng lãnh thổ đưa vắc xin vào sử dụng phổ cập cho người dân và tiêm chủng thật sự có vai trò rất lớn đối với toàn xã hội.

Vắc xin là sản phẩm sinh học dùng để tiêm chủng cho người nhằm tạo ra miễn dịch chủ động chống lại một căn bệnh cụ thể. Vắc xin tương tác với hệ thống miễn dịch để tạo ra miễn dịch tương tự như quá trình nhiễm trùng tự nhiên, nhưng không gây bệnh hoặc các biến chứng tiềm tàng cho người nhận. Nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến đáp ứng miễn dịch bằng tiêm chủng, bao gồm sự hiện diện của kháng thể mẹ, bản chất và liều kháng nguyên, đường dùng, và sự hiện diện của tá dược(ví dụ tá dược nhôm) được bổ sung để cải thiện tính sinh miễn dịch của vắc xin.

Các bằng chứng khoa học và thực tiển cho thấy tiêm chủng phòng bệnh là biện pháp dự phòng an toàn nhất, hiệu quả nhất để dự phòng tỷ lệ mắc bệnh, tỷ lệ tử vong và nâng cao chất lượng cuộc sống, không chỉ cho trẻ em mà còn cả cho người lớn. Tác động của vắc xin là rất to lớn và toàn diện trên mọi lĩnh vực.

Sự ra đời của vắc xin:

Năm 1780  Edward Jenner tìm ra vắc xin đậu mùa,

Năm 1885 Pasteur tìm ra vắc xin Dại,

Năm 1934 vắc xin Bạch hầu,

Năm 1955 vắc xin Bai liệt, Sởi và quai bị

Năm 1960 vắc xin Bại liệt uống ,

Năm 1985 vắc xin Haemophilus,

Năm 1990 vắc xin Viêm gan & Thủy đậu

Năm 2000 vắc xin Human Papillomavirus

Năm 2021 vắc xin ngừa COVID-19……..

 

 

2/ Lợi ích của việc tiêm chủng

Hiện nay có rất nhiều bằng chứng khoa học và thực tiển đã chứng minh lợi ích của tiêm chủng và tiêm chủng được xem là một can thiệp y tế thành công nhất và có chi phí thấp nhất nhưng có hiệu quả cao nhất. Trong nhiều thập kỷ qua tiêm chủng đã đạt được những thành tựu to lớn. Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa kỳ đã xếp chương trình tiêm chủng mở rộng đứng thứ 4 trong 10 thành tựu lớn nhất về y tế công cộng thế kỷ 20.

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có hệ thống miễn dịch chưa hoàn chỉnh, do đó rất dễ bị nhiễm bệnh. Vắc xin và tiêm chủng làm cho trẻ em khỏe mạnh, không bị ốm đau giúp gia đình giảm chi phí chăm sóc y tế, giảm thời gian và công sức, đặc biệt là các gia đình không phải chăm sóc trẻ bị bệnh cũng như tình trạng tàn phế hay mất khả năng lao động do bệnh tật. Tiêm chủng còn giúp bảo vệ sức khỏe cho cả người lớn như vắc xin phòng cúm, phòng viêm màng não do não mô cầu, , ung thư cổ tử cung, ... vì vắc xin có những tác động lâu dài cho cá nhân và cộng đồng, như tăng khả năng và năng suất lao động do không bị ốm đau. Bởi vậy, tiêm chủng là một trong những biện pháp quan trọng nhất để tạo ra sức đề kháng và chủ động phòng một cách hiệu quả các bệnh truyền nhiễm phổ biến, nguy hiểm. Đặc biệt trong đại dịch COVID-19 việc tiêm đầy đủ các mũi vắc xin giảm đáng kể số lượng bệnh nặng, bệnh phải nhập viện cũng như tỉ lệ bênh nhân tử vong.

Tiêm chủng góp phần làm giảm tỷ lệ kháng kháng sinh. Ví dụ, như tiêm vắc xin phế cầu cộng hợp ở Mỹ cho thấy giảm 57% tỷ lệ mắc bệnh gây ra bởi các chủng kháng kháng sinh penicilin và giảm 59% các chủng kháng với đa kháng sinh. Vắc xin phòng bệnh thương hàn không chỉ phòng bệnh thương hàn mà còn phòng lan truyền các chủng thương hàn kháng kháng sinh.

Tiêm chủng góp phần kéo dài thời gian tuổi thọ. Vắc xin có thể nâng cao tuổi thọ thông qua dự phòng các bệnh nhiễm trùng. Những người cao tuổi được tiêm phòng vắc xin cúm sẽ giảm 20% nguy cơ các bệnh tiêm mạch và bệnh tai biến mạch máu não và giảm 50% tử vong do tất cả các nguyên nhân.

Tiêm chủng góp phần nhanh đạt các mục tiêu thiên niên kỷ khác: giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em, nâng cao sức khỏe bà mẹ, giảm biến chứng của HIV/AIDS, sốt rét và các bệnh khác……

Ước tính nhờ triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng trong hơn 30 năm qua, chúng ta đã dự phòng hơn 6,7 triệu trẻ em khỏi mắc 5 bệnh truyền nhiễm có thể dự phòng bằng vắc xin bao gồm uốn ván sơ sinh, sởi, bạch hầu, ho gà, bại liệt. Thông qua việc triển khai thành công chương trình tiêm chủng mở rộng và các chương trình y tế khác, Việt Nam đã giảm đáng kể tỷ lệ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi và góp phần đạt mục tiêu thiên niên kỷ thứ tư./.

 

BS CK1 Kiên Sơn Pholli


Tác giả: Kiên Sơn Pholli
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết