TRÀ VINH: HƯỞNG ỨNG NGÀY THẾ GIỚI PHÒNG, CHỐNG SỐT RÉT NĂM 2024: “DỒN TỔNG LỰC VỀ ĐÍCH ĐỂ LOẠI TRỪ SỐT RÉT TẠI VIỆT NAM”
Ngày Sốt rét thế giới 25-4 (World Malaria Day_WMD, April 25) là sáng kiến quan trọng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) được thông qua Hội đồng Y tế thế giới tại phiên họp lần thứ 60 vào tháng 5/2007 nhằm nâng cao hiểu biết về bệnh sốt rét cũng như mở rộng các thông tin về chiến lược phòng chống sốt rét đã triển khai trong nhiều năm liền, bao gồm cả các hoạt động dựa vào cộng đồng phòng chống và điều trị sốt rét trong các vùng lưu hành.
Ngày Sốt rét thế giới được thiết lập dựa trên cơ sở Ngày Sốt rét châu Phi (Africa Malaria Day) đã từng tổ chức vào ngày 25 tháng 4 hàng năm. Ngày Sốt rét châu Phi bắt đầu vào năm 2001, một năm sau Tuyên ngôn Abuja lịch sử Declaration được ký bởi 44 quốc gia châu Phi có sốt rét lưu hành tại Hội nghị về sốt rét tại châu Phi.
Sốt rét là một căn bệnh đe dọa tính mạng, gây ra bởi ký sinh trùng được truyền sang người thông qua các vết đốt của muỗi Anophen bị nhiễm bệnh. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), năm 2017, ước tính có khoảng 219 triệu người mắc sốt rét ở 87 quốc gia và số ca tử vong do sốt rét khoảng 435.000 trường hợp. Tuy nhiên, căn bệnh này có thể phòng ngừa và chữa trị được.
Tình hình sốt rét cả nước cũng như địa phương vẫn còn phức tạp, số mắc ở khu vực năm 2023 có 38 trường hợp bệnh, tăng 90% so với cùng kỳ năm 2022 (38/20) và giảm 11,6% so với năm 2021. Số trường hợp bệnh sốt rét nội địa giảm 33,33% (6/9) so với năm 2022. Hiện nay, toàn khu vực có 18/20 tỉnh đã được công nhận đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét. Đây là cơ hội rất lớn để loại trừ bệnh sốt rét cho toàn khu vực. Riêng tỉnh Trà Vinh, nhiều năm qua, số ca mắc bệnh sốt rét nội địa rất ít. Từ năm 2019-2022, toàn tỉnh không phát hiện ca mắc sốt rét. Vật trung gian truyền bệnh chính là muỗi Anophen epiroticus tại địa phương vẫn chưa tìm thấy. Năm 2023, toàn tỉnh ghi nhận 01 trường hợp mắc sốt rét ngoại lai là người bệnh đi từ nước ngoài về tỉnh. Tỷ lệ mắc sốt rét trong nhiều năm qua khoảng 0,002/1.000 người, nghĩa là cũng ở mức rất thấp. Tỉnh Trà Vinh, cũng đang tích cực đẩy mạnh hướng đến mục tiêu loại trừ bệnh sốt rét vào năm 2030.
Để giữ vững thành quả loại trừ bệnh sốt rét của tỉnh Trà Vinh và hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống sốt rét 25/4/2024, Trung tâm bệnh tật Trà Vinh tuyên truyền đến người dân cùng chung tay bảo vệ bản thân và gia đình khỏi bệnh sốt rét bằng cách chủ động vệ sinh môi trường sống, diệt lăng quăng (bọ gậy), chủ động tham gia thu dọn vật dụng phế thải chứa nước đọng, nơi bọ gậy, muỗi phát triển, đậy kín nắp và thả cá vào bể, các dụng cụ chứa nước sinh hoạt. Nên ngủ mùng kể cả ban ngày,…Sốt rét là một căn bệnh lâu đời, hiện chưa có vắc-xin nhưng bệnh có thể phòng ngừa và điều trị khỏi. Chính vì vậy, để làm giảm số ca mắc, việc phòng chống muỗi truyền bệnh vẫn được xem là biện pháp hữu hiệu nhất thông qua nhiều phương pháp khác nhau như diệt muỗi bằng hóa chất hoặc ngăn sự tiếp xúc giữa người và muỗi truyền bệnh như làm rèm ở các khoảng không gian còn trống để ngăn muỗi bay vào nhà đốt người.
Phòng chống bệnh sốt rét cũng như các bệnh truyền nhiễm khác, chỉ riêng ngành Y tế sẽ không thể giải quyết được vì nó liên quan nhiều đến các yếu tố kinh tế, xã hội, môi trường, đòi hỏi vai trò và trách nhiệm của chính quyền, ban ngành và nhiều lĩnh vực khác nhau; cùng với đẩy mạnh công tác xã hội hóa phòng chống sốt rét, trong đó truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng đóng vai trò rất quan trọng. Người dân cần nâng cao ý thức và chung tay phòng chống bệnh sốt rét quay lại sau loại trừ, góp phần bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng, làm gánh nặng của nhà nước trong phòng chống các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm./.
Bs Ngọc Yến