Tin tức y tế
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

TRẺ NHỎ SẮP ĐƯỢC DÙNG VẮC XIN ROTA MIỄN PHÍ

Đây là loại vắc xin khá đắt, người dân phải tự bỏ tiền để đưa con tới các cơ sở tiêm chủng dịch vụ. Việc vắc xin này được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng là tin vui đối với các cha mẹ có con nhỏ.

Rota virus là nguyên nhân phổ biến nhất gây bệnh tiêu chảy, đặc biệt ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Virus này có trong phân của người bị nhiễm bệnh, lây qua tiếp xúc đường miệng ngay cả khi người bệnh chưa xuất hiện triệu chứng. Nhiễm trùng virus Rota có thể dẫn đến tiêu chảy nghiêm trọng, gây ra các ảnh hưởng lớn đến cơ thể như mất nước. Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng mất nước có thể đe dọa đến tính mạng của trẻ.

Để phòng bệnh cho trẻ, trước đây, cha mẹ phải đưa trẻ tới các trung tâm tiêm chủng dịch vụ. Được biết giá của loại vắc xin này lên tới gần một triệu đồng/liều. Thông thường, trẻ phải dùng 2 liều.

Mới đây, bà Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương - cho hay, năm 2024 sẽ bắt đầu triển khai vắc xin Rota trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

Trước đó, Nghị quyết 104/NQ-CP ngày 15.8.2022 của Chính phủ về lộ trình tăng số lượng vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng giai đoạn 2021-2030 sẽ có các loại vắc xin được bổ sung vào tiêm chủng mở rộng gồm: Rota (năm 2024), phế cầu (năm 2025), HPV (năm 2026) và cúm mùa (2030). Điều đó có nghĩa các loại vắc xin này sẽ được tiêm miễn phí tại Việt Nam. Trong số vắc xin này, Rota sẽ được bổ sung để triển khai sớm nhất, trở thành vaccine thứ 11 trong chương trình tiêm chủng mở rộng tại Việt Nam.

Bà Hồng cho hay, vắc xin phòng bệnh tiêu chảy do rota virus được Bộ Y tế giao cho chương trình tiêm chủng mở rộng đưa vào từ năm 2023. Tuy nhiên, để triển khai một loại vắc xine mới trên khắp cả nước cần được chuẩn bị chu đáo, xây dựng các hướng dẫn, tập huấn trên quy mô toàn quốc.

Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho hay, nguồn vắc xin Rota sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng sẽ có 20% do Liên minh Toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI) hỗ trợ, còn lại 80% sẽ mua sắm vắc xin sản xuất trong nước.

 

Nguồn Zalo Bộ Y tế.

 


Nguồn:Zalo Bộ Y tế Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết