Hoạt động
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tuyên truyền đảm bảo An toàn vệ sinh thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024

Từ ngày 17-19/01/2024, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Trà Vinh (CDC.TV), tổ chức xe loa Thông tin - Tuyên truyền: An toàn vệ sinh thực phẩm tại, những khu vực tập trung nhiều hộ kinh doanh đa dạng các loại hải sản, sản phẩm thực phẩm đã qua chế biến vv...

 Thông tin - Tuyên truyền tập trung vào: Chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, trách nhiệm của nhà sản xuất, kinh doanh, cơ sở bán buôn, bán lẻ thực phẩm phải tuân thủ thực hiện đúng qui định của pháp Luật về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và ý thức của người tiêu dùng trong việc lựa chọn thực phẩm an toàn cho bữa ăn gia đình.

Đối với Rau, quả: Chọn các loại rau quả tươi, giữ nguyên trạng thái tự nhiên, không dập nát, không bị úng, vàng úa, héo, không có mùi lạ. Khi sử dụng, cần ngâm rửa trong nước sạch từ 15 đến 20 phút để sau đó, rửa lại từ 2 đến 3 lần trước vòi nước chảy hoặc trong chậu nước đầy. Nếu là quả thì nên gọt bỏ vỏ, loại những quả dập nát.

Đối với thịt và hải sản: Chọn thịt và hải sản còn tươi, chọn cá đang sống hay vừa mới chết. Chọn thịt đã qua kiểm dịch thú y, thịt tươi, phải có độ rắn chắc, đàn hồi cao, lấy ngón tay ấn vào thịt, không để lại vết lõm khi bỏ ngón tay ra, màu sắc đỏ tươi hoặc đỏ sẫm, vết cắt có màu sắc bình thường. Tránh dùng thịt có màu hơi xanh nhạt hoặc hơi thâm, thậm chí đen, không bóng, màng ngoài nhớt. Đối với thịt chế biến sẵn như thịt gà, thịt vịt, thịt heo quay phải thận trọng, chỉ nên mua ở những cơ sở có nguồn gốc  xuất xứ.

Đối với các loại bánh mứt, các thực phẩm đóng hộp, đồ đóng gói sẵn, rượu bia: Khi  mua nên chọn các loại thực phẩm có đầy đủ thông tin ghi trên sản phẩm như: bao bì, còn nhãn hiệu nguyên vẹn, còn thời hạn sử dụng, và địa chỉ sản xuất rõ ràng, có giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm về an toàn vệ sinh thực phẩm của cơ quan chức năng. Cần chọn những loại bánh mứt có màu sắc tự nhiên, hạn chế những loại có nhiều màu tổng hợp, bánh mứt sử dụng màu công nghiệp có màu sắc loè loẹt, sặc sỡ. Dùng các giác quan như: nhìn, ngửi, sờ, nếm để phát hiện bánh mứt có bị mốc, mùi hôi, mùi chua hay không; không sử dụng nếu nắp đồ hộp bất thường như hộp phình ra, hộp bị móp méo, đồ hộp đã bị hỏng, các thực phẩm khô đã bị mốc, đặc biệt là ngũ cốc, hạt có dầu có chứa độc tố, vi nấm rất nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ người tiêu dùng.

 

                                                                           Quang cảnh xe loa tuyên truyền

 

       Mọi người cần tuân thủ 10 nguyên tắc vàng về vệ sinh an toàn thực phẩm như sau:

 1. Chọn thực phẩm an toàn: Chọn thực phẩm tươi; rau, quả ăn sống phải được ngâm và rửa kỹ bằng nước sạch. Quả nên rửa sạch gọt vỏ trước khi ăn.

 2. Nấu chín kỹ thức ăn: Nấu chín kỹ hoàn toàn thức ăn, là bảo đảm nhiệt độ bên trong khối thực phẩm phải đạt tới trên 70°C.

 3. Ăn ngay sau khi nấu: Hãy ăn ngay sau khi vừa nấu xong, vì để lâu thức ăn càng dễ bị nhiễm vi khuẩn có hại cho sức khỏe.

 4.  Bảo quản cẩn thận các thức ăn đã nấu chín: Muốn giữ thức ăn quá 5 tiếng đồng hồ, cần phải giữ nóng liên tục trên 60°C hoặc lạnh dưới 10°C. Thức ăn cho trẻ nhỏ không nên dùng lại.

 5. Nấu lại thức ăn thật kỹ: Các thức ăn chín dùng lại sau 5 tiếng, phải được đun kỹ lại.

 6. Tránh nhiễm khuẩn chéo giữa thức ăn chín và sống: Thức ăn đã được nấu chín có thể bị nhiễm mầm bệnh do tiếp xúc trực tiếp với thức ăn sống hoặc gián tiếp với các bề mặt bẩn.

 7. Rửa tay sạch trước khi chế biến thức ăn. Nếu tay có vết  thương hãy băng kỹ và kín vết thương trước khi chế biến thức ăn.

 8. Giữ sạch các bề mặt chế biến thức ăn. Do thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn, bất kỳ bề mặt nào dùng để chế biến thức ăn cũng phải được giữ sạch. Khăn lau bát đĩa cần phải được luộc nước sôi và thay thường xuyên trước khi sử dụng lại.

 9. Che đậy thực phẩm để tránh côn trùng và các động vật khác. Che đậy giữ thực phẩm trong hộp kín, tủ kính, lồng bàn. Đó là cách bảo vệ tốt nhất. Khăn đã dùng che đậy thức ăn chín phải được giặt sạch lại.

 10. Sử dụng nguồn nước sạch an toàn. Nước sạch là nước không màu, không mùi vị lạ và không chứa mầm bệnh. Hãy đun sôi trước khi làm đá uống. Đặc biệt cẩn thận với nguồn nước dùng nấu thức ăn cho trẻ nhỏ.

Chú ý khi phát hiện hoặc nghi ngờ bị ngộ độc thực phẩm, cần phải dừng ngay việc sử dụng và niêm giữ toàn bộ thức ăn đó lại (kể cả chất nôn, phân, nước tiểu…) để xác minh và báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất để xử lý kịp thời hoặc đưa người bị ngộ độc đi Bệnh viện càng sớm càng tốt.

Đối với người tiêu dùng cần vệ sinh cá nhân, rửa tay sạch bằng xà phòng và nước sạch trước khi ăn, chế biến, sau khi đi vệ sinh trong các bửa ăn hàng ngày để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình, người thân của mình.

Chiến dịch Thông tin - Tuyên truyền xe loa lưu động được thực hiện trên các tuyến đường có phương tiện giao thông đến được, các khu vực đông dân cư, vùng đồng bào dân tộc, các khu vực có nhiều hộ kinh doanh mà có thể tác động bằng biện pháp truyền thông đến người dân… Nhằm nâng cao sự nhận thức của cộng đồng, hiểu được giá trị lợi ích của việc đảm bảo An toàn vệ sinh thực phẩm và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm. Đồng thời, vận động người dân biết cách chọn thực phẩm an toàn và lương tâm đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm của nhà sản xuất, kinh doanh, cơ sở bán buôn, bán lẻ thực phẩm phải đảm bảo an toàn.

Song song đó, CDC.TV còn phối hợp với Báo, Đài Phát thanh - Truyền hình thực hiện phát sóng mẫu thông điệp tuyên truyền phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, viết bài, tin đăng trên; Website CDC.TV, VV...

Gửi file tuyên truyền và Chỉ đạo tuyến Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố, phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024./.

 

Hữu Đức


Tác giả: Hữu Đức
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết