Hoạt động
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

BỆNH MARBURG VÀ NHỮNG ĐỀU CẦN BIẾT

Trước tình hình diễn biến phức tạp của bệnh do virus Marburg tại các nước Châu Phi. Ngày 17/3/2023, Bộ Y tế  Việt Nam đã ban hành công văn số 1452/BYT-DP gửi Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur, yêu cầu các địa phương trong cả nước có biện pháp tăng cường giám sát chặt chẽ người nhập cảnh, tại cộng đồng và cơ sở y tế để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh Marburg để điều tra dịch tễ học. Bộ Y tế yêu cầu địa phương lưu ý những người nhập cảnh từ các quốc gia có dịch khu vực châu Phi trong vòng 21 ngày.

Theo Bộ Y tế, bệnh Marburg là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Marburg gây ra. Đây là bệnh đặc biệt nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao. Vật chủ ban đầu chứa vi rút Marburg là dơi ăn quả châu Phi. Bệnh có thể lây truyền từ động vật (dơi, động vật linh trưởng) sang người. Bệnh lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết cơ thể (nước tiểu, mồ hôi, nước bọt, chất nôn, sữa mẹ, tinh dịch...) hoặc với môi trường vật dụng bị ô nhiễm bởi dịch tiết của người mắc/chết do vi rút Mác-bớc. Đây là bệnh đặc biệt nguy hiểm, khả năng lây truyền và tỷ lệ tử vong cao là 50% có thể lên tới 88%, bệnh được phân loại thuộc nhóm A theo Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm của nước ta.

Các triệu chứng của bệnh do virus Marburg có thể gây ra chứng sốt xuất huyết do virus rất nghiêm trọng, cản trở khả năng đông máu. Thời gian ủ bệnh kéo dài từ 2-21 ngày và các triệu chứng bắt đầu đột ngột với sốt cao, nhức đầu dữ dội kèm theo cảm giác uể oải, mệt mỏi khó chịu. Các triệu chứng khác có thể có như đau cơ, chuột rút, tiêu chảy, buồn nôn, chảy máu qua chất nôn, phân và từ các bộ phận cơ thể khác, hiện bệnh chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu.

Biện pháp phòng bệnh do virus Marburg (Mác-bớc) tốt nhất ở thời điểm hiện tại là:

Tránh tiếp xúc hoặc đến nơi cư trú của loài dơi ăn quả châu Phi, động vật hoang dã bị nhiễm virus như: khỉ, linh dương rừng, loài gặm nhấm…

Không ăn/tiêu thụ thịt của động vật hoang dã.

Nấu chín kỹ thực phẩm trước khi ăn, nhất là các loại thịt.

Phát hiện sớm và cách ly nhanh chóng hệ thống các ca bệnh.

Truy vết kịp thời những người có tiếp xúc với người nhiễm Marburg và giám sát chặt chẽ những người có nguy cơ cao nhiễm bệnh.

Hạn chế tiếp xúc với người nghi nhiễm hoặc bị nhiễm virus Marburg.

Hạn chế tiếp xúc với người nghi nhiễm, đặc biệt mặc áo bảo hộ, đeo găng tay, khẩu trang, mắt kính, rửa tay thường xuyên,… nếu tiếp xúc với người bệnh.

Thận trọng với các chất thải như máu, bãi nôn, nước bọt, nước tiểu, phân… hoặc bất cứ đồ vật nào của người bệnh.

Ở khía cạnh quan hệ tình dục, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo, nam giới sau khi khỏi bệnh cần đợi ít nhất 12 tháng mới nên quan hệ tình dục an toàn, trừ khi xét nghiệm tinh dịch của người đã khỏi bệnh cho kết quả âm tính trong 2 lần khác nhau.

Virus Marburg là một loại virus gây chết người nguy hiểm, khả năng lây nhiễm nhanh với tỷ lệ tử vong lên đến 88%, do đó tuyệt đối không thể lơ là trong các biện pháp phòng bệnh.

Bộ Y tế khuyến nghị chăm sóc người bệnh bằng hỗ trợ sớm, điều trị theo triệu chứng, bổ sung chất điện giải, duy trì tình trạng oxy và huyết áp, xử lý các yếu tố đông máu và xuất huyết là cách cải thiện tỷ lệ sống sót cho người bệnh./.

 

Hoàng Vũ - Xuân Nhi


Tác giả: Bs Lý Xuân Nhi
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết