HIV/AIDS: TRIỆU CHỨNG, ĐIỀU TRỊ VÀ CÁCH PHÒNG BỆNH
HIV/AIDS là bệnh do nhiễm vi rút HIV. Vi rút tấn công vào hệ thống miễn dịch của cơ thể. HIV lây truyền qua quan hệ tình dục, qua đường máu hoặc truyền từ mẹ sang con trong thời kỳ mang thai, sinh đẻ và cho con bú. AIDS là hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người.
Khi nhiễm HIV/AIDS thường có những triệu chứng gì?
Để biết một người có bị nhiễm HIV hay không thì chỉ có 01 cách duy nhất là xét nghiệm máu.
Sau khi bị nhiễm virus HIV, người bệnh có các triệu chứng khác nhau qua các giai đoạn HIV:
- Giai đoạn cửa sổ (giai đoạn đầu) : Giai đoạn này thường kéo dài từ 0 - 3 tháng (khoảng 90 ngày), là giai đoạn virus HIV xâm nhập vào cơ thể để phát triển và nhân lên rất nhanh chóng với số lượng lớn virus. Giai đoạn này sẽ có nguy cơ lây nhiễm HIV cho người khác rất cao.
- Giai đoạn không có triệu chứng: giai đoạn HIV này có thể kéo dài đến 10 năm hoặc có thể dài hơn nữa, nhưng bệnh sẽ tiến triển nhanh hơn. Hệ miễn dịch không chống lại được lượng lớn virus HIV trong cơ thể, lượng tế bào lympho T giảm mạnh, kháng nguyên của HIV gia tăng nhanh. Vì vậy được gọi là nhiễm trùng HIV mạn tính, bị viêm hạch do bắt giữ virus HIV để bảo vệ cơ thể. Là giai đoạn có nguy cơ cao lây nhiễm bệnh HIV cho người khác.
- Giai đoạn cận AIDS: Ở giai đoạn này người bệnh HIV có thể gặp các triệu chứng như: giảm cân nhẹ, loét ở miệng, phát ban HIV sẩn ngứa, nhiễm herpes zoster, nhiễm khuẩn đường hô hấp trên tái phát, ví dụ như viêm xoang hoặc viêm tai tái diễn nhiều lần.
- Giai đoạn AIDS: Hệ miễn dịch bị tàn phá nặng, vô hiệu hóa làm mất sức đề kháng do virus HIV tấn công mạnh mẽ và có dấu hiệu nhiễm trùng do các vi sinh vật cơ hội gây ra bệnh như: nhiễm nấm candida specie ở miệng, bị nhiễm viêm phổi do nấm, bị ung thư bạch huyết và zona thần kinh do virus herpes bùng phát. Cơ thể bệnh nhân thường phát ban, lở loét, mệt mỏi, sưng hạch bạch huyết, cơ thể còn da bọc xương do sụt cân không rõ nguyên nhân,… và dễ nhiễm các bệnh thông thường khác.
Nhiễm HIV/AIDS sẽ ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe con người ?
Một người nhiễm HIV:
- Nếu được điều trị: Ngày nay một người nhiễm HIV nếu được xét nghiệm chẩn đoán sớm và tiếp cận sớm với thuốc kháng vi rút ARV và tuân thủ điều trị và đáp ứng với thuốc, nghĩa là uống thuốc đúng, đủ, đều và uống thuốc suốt đời thì sẽ có một cuộc sống sinh hoạt, học tập, lao động, làm việc khỏe mạnh bình thường như mọi người chúng ta.
- Nếu không điều trị: Người nhiễm HIV sẽ lần lượt trãi qua các giai đoạn cửa sổ, giai đoạn không có triệu chứng, giai đoạn cận AIDS và giai đoạn AIDS và sẽ dẫn đến tử vong (có thể kéo dài 5 - 10 năm).
Khi bị nhiễm HIV/AIDS thì người nhiễm phải làm gì để hạn chế được sự lây lan và bảo vệ được sức khỏe cho bản thân ?
Hiện nay, những thành tựu và tiến bộ của nền y học thế giới đã giúp cho người nhiễm HIV có cuộc sống tốt hơn. Khi nhiễm vi rút HIV cũng không ảnh hưởng đến khả năng làm việc, đi học hoặc giao tiếp xã hội. Chính vì vậy, người nhiễm HIV không nên bi quan, buồn chán xem như là đã kết thúc cuộc đời.
Một người khi nghi ngờ mình bị nhiễm HIV thì nên đi xét nghiệm; Nếu như được chẩn đoán là bị nhiễm HIV thì đến cơ sở điều trị ARV để được điều trị sớm nhất ngay trong ngay và khi đã tham gia điều trị ARV rồi thì cần tuân thủ điều trị ARV. Nếu sau một thời gian điều trị ARV mà xét nghiệm tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện thì xem như người nhiễm HIV đã có một cuộc sống bình thường như mọi người, việc kéo dài tuổi thọ 50-60 năm là chuyện chắc chắc so với trước đây chỉ có 5 – 10 năm.
HIV chỉ lây qua 03 con đường: quan hệ tình dục không an toan, đường máu và lây truyền mẹ-con. HIV không lây qua bắt tay, ôm hôn, ăn uống chung, sinh hoạt, học tập, làm việc chung…
Nhiều nghiên cứu đã khẳng định người nhiễm HIV/AIDS vẫn có thể tiếp tục sống chung với gia đình nếu người thân hiểu biết đúng về HIV/AIDS.
Người bệnh phải dùng riêng một số đồ dùng như khăn tắm, khăn mặt, bàn chải đánh răng, dao cạo, cái nạo lưỡi, đồ làm móng tay, kim tiêm.
Trong quan hệ tình dục với người nhiễm HIV/AIDS, phải luôn sử dụng bao cao su. Còn những biểu hiện tình cảm khác như vuốt ve, nắm tay... không làm lây bệnh.
Chú ý ăn uống đảm bảo dinh dưỡng và tuân thủ việc uống thuốc ARV theo hướng dẫn của bác sỹ.
Nếu người trong gia đình bị những vật bén nhọn dùng cho bệnh nhân nhiễm HIV (như kim tiêm, dao cạo) làm bị thương, cần nặn ngay máu ra, rửa vết thương bằng nước sạch và xà phòng, sát trùng bằng cồn 70 độ. Sau đó, phải liên hệ ngay với các cơ sở điều trị để được hướng dẫn điều trị dự phòng.
Hiện nay Ngành y tế có thuốc gì điều trị HIV/AIDS cho người bị nhiễm bệnh?
Cho đến nay, HIV/AIDS vẫn là một bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng ngừa. Nhưng từ khi phát hiện ra thuốc ARV (thuốc kháng vi rút) thì tình trạng lâm sàng của bệnh nhân HIV/AIDS đã có chuyển biến tích cực, chúng ta có thể kiểm soát được bệnh AIDS.
- Hiện nay, thế giới đang sử dụng thuốc ARV để điều trị cho người nhiễm HIV. ARV tên gọi chung của các loại thuốc kháng virus. Chúng ức chế sự phát triển của virus bao gồm cả HIV. Thuốc ARV không loại trừ hoàn toàn vi rút HIV ra khỏi cơ thể người nhiễm, nhưng ARV có tác dụng kìm hãm sự phát triển của vi rút HIV, duy trì tải lượng virus HIV trong máu dưới ngưỡng phát hiện (dưới 200 bản sao/ml máu). Nhờ tác dụng ức chế sự nhân bản của virus HIV, thuốc ARV giảm thiểu tối đa nguy cơ lây nhiễm HIV trong cộng đồng, lây nhiễm từ mẹ sang con.
- Việc điều trị ARV kịp thời có vai trò vô cùng quan trọng trong việc ngăn chặn bệnh tiến triển sang giai đoạn AIDS, giúp người bệnh tránh khỏi những căn bệnh do suy giảm miễn dịch như lao, nhiễm trùng, ung thư… và giảm thiểu nguy cơ tử vong. Bên cạnh đó, điều trị ARV sớm còn mang đến cho người bệnh chất lượng sống tốt hơn, có đủ sức khỏe để lao động, hòa nhập với cộng đồng và có thể chung sống lành mạnh với HIV đến cuối đời thay vì chỉ sống được 5-10 năm như trước đây. Hiện nay, HIV vẫn là căn bệnh chưa có thuốc chữa trị dứt điểm. Vì thế điều trị ARV được xem là phương pháp điều trị đặc hiệu, chi phí rẻ và dễ tiếp cận nhất. Bệnh nhân HIV có thẻ bảo hiểm y tế được khám chữa bệnh và nhận thuốc ARV theo chế độ bảo hiểm tại các cơ sở y tế.
- Ngoài tác dụng điều trị cho người nhiễm HIV thì thuốc ARV còn có tác dụng dự phòng lây nhiễm HIV. Nhiều bằng chứng khoa học trong những năm gần đây cho thấy việc sử dụng thuốc kháng HIV để điều trị cho người nhiễm HIV còn có tác dụng dự phòng lây nhiễm HIV. Nói một cách đơn giản, khi điều trị cho người nhiễm HIV sẽ kiểm soát được tải lượng virus HIV trong máu của họ, từ đó sẽ làm giảm nguy cơ hoặc không làm lây nhiễm HIV sang người khác. Ngoài ra, thuốc ARV còn có tác dụng điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) và sau phơi nhiễm HIV (PEP)./.
Bs CKII Trương Văn Dũng.