Hoạt động
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vitamin A - Những điều cần biết

Vitamin A là vi chất dinh dưỡng quan trọng đối với cơ thể, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi. Thiếu Vitamin A không chỉ gây khô mắt dẫn tới mù loà vĩnh viễn mà còn làm tăng nguy cơ tử vong do bệnh tật và làm giảm sự tăng trưởng của cơ thể.

        Vitamin A  tham gia vào nhiều chức năng quan trọng trong cơ thể như: quá trình phân chia tế bào giúp trẻ tăng trưởng và phát triển bình thường; tham gia vào chức năng thị giác của mắt, đó là khả năng nhìn thấy trong điều kiện ánh sáng yếu. Khi thiếu Vitamin A khả năng nhìn thấy của mắt lúc ánh sáng yếu sẽ bị giảm, hiện tượng này thường xuất hiện vào lúc trời nhá nhem tối nên được gọi là “Quáng gà”. Vitamin A cần thiết cho sự bảo vệ của biểu mô giác mạc mắt, các tổ chức biểu mô dưới da, khí quản, ……Vitamin A còn tham gia vào quá trình đáp ứng miễn dịch của cơ thể, tăng khả năng đề kháng của cơ thể.

Thiếu vitamin A làm trẻ chậm tăng trưởng, nhất là ở những trẻ nhỏ; làm giảm sức đề kháng cơ thể đối với bệnh tật, trẻ dễ mắc các bệnh nhiễm trùng hô hấp, tiêu hóa, da khô, tóc dễ rụng, …

Thiếu vitamin A nặng kéo dài sẽ dẫn đến khô mắt, nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến mù lòa vĩnh viễn.

NGUYÊN NHÂN THIẾU VITAMIN A

Khẩu phần ăn bị thiếu hụt Vitamin A:

Cơ thể không thể tự tổng hợp được Vitamin A mà phải do thức ăn cung cấp, vì vậy nguyên nhân chính của thiếu Vitamin A là do ăn ít thực phẩm giàu Vitamin A (Thịt, cá, trứng, sữa, rau xanh, trái cây có màu vàng, cam,…).

Chế độ ăn thiếu dầu mỡ sẽ làm giảm hấp thu Vitamin A (vì Vitamin A tan trong dầu).

Ở trẻ nhỏ đang bú thì nguồn Vitamin A là sữa mẹ, trong thời kỳ cho con bú nếu bữa ăn của mẹ thiếu Vitamin A sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến con.

Nhiễm giun, nhất là giun đũa cũng là yếu tố góp phần làm thiếu Vitamin A.

Nhiễm trùng và suy dinh dưỡng làm hạn chế hấp thu, chuyển hoá vitamin A đồng thời làm tăng nhu cầu sử dụng vitamin A, ngược lại thiếu vitamin A sẽ làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng và suy dinh dưỡng, như vậy sẽ tạo thành một vòng luẩn quẩn làm bệnh thêm trầm trọng dẫn đến nguy cơ tử vong cao.

PHÒNG THIẾU VITAMIN A
1.Nuôi con bằng sữa mẹ:

- Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn đến 6 tháng tuổi và tiếp tục cho bú tới 24 tháng giúp đảm bảo nhu cầu vitamin A cho trẻ.

2. Duy trì chế độ ăn đa dạng thực phẩm, sử dụng thực phẩm giàu vitamin A:

- Sử dụng đa dạng các loại thực phẩm, lựa chọn thực phẩm giàu vitamin A.

- Thức ăn nguồn gốc động vật: Trứng, cá, thịt, gan, sữa,..

- Thức ăn nguồn gốc thực vật: Các loại rau xanh, đáng chú ý là rau muống, xà lách, rau ngót, rau diếp, rau dền, hành lá, hẹ, rau thơm, các loại củ quả như gấc, cà rốt, đu đủ, xoài…

- Cung cấp nguồn thực phẩm giàu đạm, chất béo cho bữa ăn hàng ngày.   

3. Bổ sung vitamin A liều cao:

- Theo chiến dịch cho trẻ từ 6-36 tháng tuổi uống vitamin A liều cao định kỳ 2 đợt/năm (vào ngày 1 – 2 tháng 6 và ngày 1 - 2 tháng 12) tại trạm Y tế địa phương.

 - Thường xuyên bổ sung vitamin A cho trẻ suy dinh dưỡng nặng, tiêu chảy kéo dài, viêm hô hấp tái đi tái lại, …theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

- Bổ sung vitamin A cho bà mẹ sau khi sinh./.

 

Hồng Đức


Tác giả: Hồng Đức
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết