Ngày Quốc tế Người cao tuổi 1/10: Nguồn gốc và ý nghĩa
Nguồn gốc ngày Quốc tế Người cao tuổi: Năm 1982, Đại hội thế giới về Tuổi già lần đầu tiên được Liên Hợp Quốc tổ chức tại Áo với hơn 3.000 đại biểu của hầu hết các nước trên thế giới tham dự. Đại biểu của Việt Nam là giáo sư Phạm Khuê, Viện trưởng Viện lão khoa Việt Nam.
Đến năm 1990, tức 8 năm sau Đại hội thế giới về tuổi già ở Áo, để tập trung sự chú ý của thế giới về vấn đề người cao tuổi, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc quyết định lấy ngày 1/10 hàng năm làm ngày Quốc tế Người cao tuổi, bắt đầu từ 01/10/1991.
Ý nghĩa ngày Quốc tế Người cao tuổi
Ngày Quốc tế Người cao tuổi được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức về các vấn đề ảnh hưởng đến người cao tuổi, chẳng hạn như quá trình lão hóa và lạm dụng người cao tuổi, Sức khỏe và ăn uống; Nhà ở và môi trường; Gia đình; Dịch vụ và bảo trợ xã hội; Việc làm; Nâng cao sự hiểu biết của người cao tuổi về cuộc sống…..tùy vào từng hoàn cảnh và điều kiện của các quốc gia.
Đây cũng là một ngày để ghi nhận những đóng góp của người cao tuổi đối với xã hội và là trọng tâm của Chương trình về người cao tuổi của Liên hiệp Quốc và các tổ chức bảo vệ người cao tuổi.
Ngày Quốc tế Người cao tuổi 01/10/2022 với chủ đề là “Khả năng phục hồi và đóng góp của phụ nữ lớn tuổi”. Chủ đề này đóng vai trò là dấu ấn và lời nhắc nhở về vai trò quan trọng của phụ nữ lớn tuổi trong việc vượt qua những thách thức toàn cầu và thể hiện khả năng phục hồi mạnh mẽ, những đóng góp của họ cho sự phát triển của xã hội.
Tại Việt Nam
Việt Nam là nước có nền văn hóa tôn trọng người cao tuổi từ lâu đời “Kính lão đắc thọ” hay như “Gừng càng già càng cay” nên người cao tuổi rất được quan tâm và kính trọng. Theo thống kê Việt Nam có khoảng 12% dân số là người cao tuổi.
Ngày 25/4/2015, Việt Nam đã ban hành Quyết định số 544/QĐ-TTg lấy tháng 10 hàng năm là “Tháng hành động vì Người cao tuổi Việt Nam”.
Tháng hành động vì người cao tuổi năm 2022
Tháng hành động Vì người cao tuổi Việt Nam năm 2022 với Chủ đề: "Chung tay chăm sóc người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn" nhằm tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, cộng đồng xã hội trong việc thực hiện Luật Người cao tuổi, chế độ chính sách liên quan đến người cao tuổi; những thách thức của quá trình già hóa dân số, yêu cầu nhiệm vụ công tác chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi. Giúp người cao tuổi có cuộc sống tốt đẹp hơn, vui tươi hơn để giảm bệnh tật và cảm nhận cuộc sống tuổi già có ý nghĩa hơn để sống lâu, sống thọ./.
Hồng Đức