CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS GIÁM SÁT HỖ TRỢ KỸ THUẬT CÔNG TÁC ĐIỀU TRỊ HIV TẠI TRÀ VINH
Trong 02 ngày 18-19/9/2024, Cục Phòng, chống HIV/AIDS tổ chức Đoàn công tác giám sát nhằm hỗ trợ Nhóm hỗ trợ kỹ thuật tỉnh Trà Vinh thực hiện hoạt động giám sát nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ khám, điều trị cho người nhiễm HIV bao gồm điều trị một số bệnh đồng nhiễm nhiễm viêm gan C, điều trị lao tiềm ẩn, thực hiện xét nghiệm tải lượng HIV, tế bào CD4.
Đoàn đã thực hiện công tác hỗ trợ kỹ thuật tại 03 cơ sở y tế tuyến huyện đang cung cấp dịch vụ điều trị HIV/AIDS trên địa bàn gồm Bệnh viện đa khoa khu vực Cầu Ngang, TTYT huyện Trà Cú, TTYT huyện Châu Thành. Chiều ngày 19/9, Đoàn làm việc tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật Trà Vinh với sự tham gia của BS Nguyễn Thị Mai – Phó Trưởng phòng Điều trị - Trưởng đoàn; BS Vũ Đức Long, BS Trần Anh Dũng – chuyên viên Phòng Điều trị đã có buổi trao đổi, làm việc tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Trà Vinh về triển khai công tác phòng, chống HIV/AIDS. Tham gia tiếp Đoàn công tác có BSCKII Trương Văn Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cùng các viên chức phụ trách công tác khám, điều trị cho người nhiễm HIV.
Theo báo cáo của Trung tâm kiểm soát bệnh tật Trà Vinh, đến 04/9/2024, luỹ tích số phát hiện nhiễm HIV là 2.894 người, 1.201 người tử vong. 9/9 huyện/thị xã/ thành phố có phát hiện nhiễm HIV/năm, tuy nhiên phát hiện nhiều tập trung các khu vực nội thành. Công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn Trà Vinh được giám sát, quản lý chặt chẽ, các hoạt động được triển khai đồng bộ và đạt kết quả tại các tuyến. Kinh phí hoạt động phòng chống HIV/AIDS được sử dụng hiệu quả, không để chồng chéo kinh phí hoạt động giữa các nguồn. Đạt chỉ tiêu giao của năm về điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV (PrEP) trên nhóm nguy cơ cao và (MSM). Mở rộng truyền thông PrEP đến mọi người dân. Phát huy hiệu quả hệ thống thông tin quản lý người nhiễm Info 4.0, Info 4.1 từng bước hoàn thiện việc thu thập số liệu đánh giá tình hình dịch. Tuy nhiên, Trà Vinh vẫn còn một số những khó khăn trong việc tiếp cận nhóm nguy cơ cao MSM do là đối tượng nhiều ngành nghề có trí thức, có mật độ di biến động cao, nhiều bạn tình, khó lộ diện,... Khó mở dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV (PrEP) đối với phòng khám tư nhân do thiếu sự đồng bộ từ phòng khám, nhà thuốc và cơ chế thu chi dịch vụ. Nguồn thuốc ARV đôi khi bị gián đoạn vì vậy ảnh hưởng đến việc cấp phát thuốc cho bệnh nhân điều trị ARV.
Trên cơ sở kết quả báo cáo chương trình phòng, chống HIV/AIDS của CDC Trà Vinh, Đoàn công tác đã đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo Sở Y tế, CDC Trà Vinh trong công tác tổ chức triển khai đồng bộ chương trình phòng, chống HIV/AIDS trong thời gian qua và sự vào cuộc của các cơ sở y tế trực thuộc, các cán bộ y tế tham gia trực tiếp các hoạt động can thiệp dự phòng, xét nghiệm, điều trị HIV tại các cơ sở./.
Xuân Nhi